Edit: Frenalis

Tôi giật mình lấy điện thoại của Vương Vũ ra xem thì thấy trong tin nhắn chỉ có một câu ngắn gọn: "Tôi đang ở Hồi Long Thôn, nhờ chị tôi đến cứu".

Hồi Long Thôn là một ngôi làng nhỏ nằm dưới thị trấn nhỏ cạnh Sơn Thành, nghe nói rất lạc hậu nhưng còn tương đối nguyên sinh, cuối tuần có nhiều người thích đến đó ngắm núi sông và du lịch.

Tại sao Chung Dao Dao lại đến đó?

Tôi hỏi Vương Vũ còn biết gì nữa không thì cô ấy lắc đầu, hôm trước cô ấy vừa nói chuyện điện thoại với Chung Dao Dao, lúc đó Chung Dao Dao vẫn ở Nam Kinh, mọi việc vẫn bình thường.

Tôi bảo Vương Vũ về trước rồi gọi điện đến ký túc xá của Chung Dao Dao, bạn cùng phòng của Chung Dao Dao kể rằng cô ấy bị dì Hai bắt đi trước mặt mọi người, đem kéo lên xe rời đi. Tôi giận đến mức phát điên, dì Hai đây là muốn làm cái quái gì, còn học bọn xã hội đen bắt cóc người giữa ban ngày?

Tôi gọi lại cho dì Hai và dượng nhưng không ai trả lời. Tôi không còn cách nào khác là thu dọn đồ đạc và lái xe đến thôn Hồi Long, cái nhà này từng người từng người, không ai có thể để cho tôi bớt lo. Hùng Duệ chết không lâu, dì Hai lại làm loạn như vậy, tôi dự cảm chuyện này nhất định liên quan đến tiền bạc. Dì Hai tôi là người sẽ làm bất cứ điều gì vì tiền. Tôi đột nhiên nghĩ đến, bà ta sẽ không vì tiền mà bán Chung Dao Dao cho một người đàn ông trung niên nông thôn nào đó chứ?

Tôi có chút lo lắng, nếu như vậy thì một mình tôi đi cũng vô ích, có lẽ cả làng sẽ xúm vào đánh tôi mất. Tôi không làm gì khác hơn đành phải gọi điện cho Tư Đồ Lăng, Tư Đồ Lăng vừa nghe tin liền nói sẽ đi cùng tôi, nếu quả thật là lừa bán phụ nữ thì có thể gọi tiếp viện đến bất cứ lúc nào.

Tôi đến đồn cảnh sát đón Tư Đồ Lăng thì biết anh ấy đang nghỉ phép, tôi có chút xấu hổ, làm cảnh sát hiếm có ngày nghỉ, mà tôi còn tới làm phiền anh ấy. Anh ấy cười nói không sao cả, dù sao hiện tại anh ấy cũng không có bạn gái, nghỉ phép cũng chỉ ở trong ký túc xá, còn không bằng ra ngoài đi một chút, coi như du lịch.

Chúng tôi lái xe ba tiếng đồng hồ thì tới trấn Giang Hạ, thôn Hồi Long thuộc địa phận trấn Giang Hạ, cách thị trấn không xa.


 
Chúng tôi ăn cơm ở quán cơm bình dân, thuận tiện hỏi thăm một chút tin tức. Hôm nay không phải ngày đi chợ, trong quán cũng không có nhiều khách, bà chủ quá đang trò chuyện phiếm với một vị khách quen.

"Này, lão Trần, ông có nghe nói hay không, có nhà nọ ở thôn Hồi Long đưa một cô gái đến làm lễ kết hôn bí mật với đứa con trai vừa mới mất của họ?" Bà chủ quán thần thần bí bí nói.

Người tên lão Trần hỏi lại: "Còn có chuyện như vậy sao?"

"Không phải sao? Kết âm hôn chính là việc làm bừa bãi, vậy mà còn dám tìm người sống đến, đây chính là tổn hại âm đức."

Chúng tôi bên này có nhiều dân tộc Thổ Gia và Miêu tộc, từ xa xưa không có phong tục kết âm hôn, nhà ai nếu có người chết thì linh cữu sẽ được đặt trong nhà ba ngày, bạn bè thân thích ngồi ba ngày đêm, sau đó đem hoả thiêu hoặc chôn cất. Tôi lớn như vậy nhưng cũng chưa từng nghe qua ở chỗ chúng tôi có phong tục âm hôn.

Loại phong tục âm hôn này là mấy năm gần đây từ nơi khác khởi xướng, người dân ở đây ra ngoài đi làm xa rồi học được đem trở về thôn, chỉ có điều thực hiện không được đầy đủ.

Tư Đồ Lăng kể hiện nay người trộm xác nhiều hơn, nhất là xác phụ nữ được chôn, không phân biệt tuổi tác, người lớn tuổi thì rẻ hơn, còn người trẻ và chưa lập gia đình thì đắt hơn.

Tôi ngạc nhiên, ngay cả xác của người già cũng bị đánh cắp?


Tư Đồ Lăng nói rằng hiện nay có nhiều thầy phong thuỷ đang cấu kết với những kẻ trộm cắp bán xác. Nếu có một ông lão khi chết vẫn chưa lấy vợ, thì các thầy phong thủy sẽ tìm đến tận cửa dụ dỗ gia đình ông lão đó phải tìm một người vợ cho ông ấy để gia đình được bình an, nếu không làm âm hôn thì ma quỷ sẽ ngày ngày đến nhà quấy phá, ảnh hưởng đến vận khí của con cháu. Dân quê đều rất mê tín, hầu hết mọi người đều sợ hãi trước mối đe dọa này, tốn một hai vạn mua một thi thể của bà lão, cùng với người già nhà mình làm âm hôn.

Chính vì nạn trộm cắp thi thể tràn lan nên những người chôn cất ở đây phải gia cố lăng mộ bằng thép và bê tông để không thể trộm được.

Lão Trần bên kia nói: "Cô gái bị làm âm hôn với ma là nhà ai? Nào có ai nguyện ý gả cho người chết? Thật là xui xẻo."

 
Bà chủ quán nhìn ra ngoài, nhỏ giọng nói: "Tôi nói cho ông biết, đừng có truyền ra ngoài, nghe nói cô gái đó không đồng ý, bị người lớn trong nhà cứng rắn kéo tới đây."

Lão Trần có chút phẫn nộ nói: "Người lớn nhà này đầu đá hết hay sao mà có thể gả con gái của mình cho người chết? Chẳng lẽ trước khi kết hôn phải giết người sao?"

"Không phải như vậy, nhà họ Nhiễm dù có giàu có đến đâu cũng không dám gây sự." Bà chủ quán duỗi năm ngón tay ra so sánh nhiều lần rồi nói: "Nhà họ Nhiễm đã bỏ ra mười vạn tệ tiền mặt, bọn họ nói sau khi kết âm hôn xong thì để cô gái ấy đi."

Lão Trần lại hỏi: "Nhưng sau này ai dám cưới một cô gái đã kết âm hôn chứ?"

"Không phải sao? Đây chính là làm hại cuộc đời của con gái người ta đó." Bà chủ quán nhổ nước bọt, "Tôi sẽ nhìn xem, nhà họ Nhiễm kia giàu có nhưng bất nhân, sớm muộn gì cũng bị quả báo."


Tôi tức giận đến đỏ cả mặt, dì Hai đúng là điên rồi, vì mười vạn tệ mà lại để Dao Dao cùng người chết kết hôn! Nếu Dao Dao có chuyện gì, tôi tuyệt đối sẽ không tha cho bà ta.

Dưới cơn nóng giận tôi muốn đi đến thôn Hồi Long nhưng bị Tư Đồ Lăng giữ lại, bảo tôi đợi trong khi anh ấy gọi đến đồn cảnh sát ở đây hỏi thăm tình hình. Một lúc sau, anh ấy cúp điện thoại và nói với tôi: "Tình huống có chút không đúng".

"Sao vậy?"

"Mặc dù bên này không cấm âm hôn nhưng nếu dân làng muốn tổ chức cưới hỏi, tang lễ thì phải được sự đồng ý của ủy ban thôn, sau đó giao cho đồn cảnh sát lập hồ sơ. Khi tổ chức tiệc, đồn cảnh sát cũng sẽ cử người đến xem, để tránh sự cố an toàn thực phẩm. Lần này nhà họ Nhiễm làm lễ cưới cho người âm, hôn lễ đã được tổ chức trước đó bảy ngày, đồn cảnh sát đã cử cảnh sát Trương đến đó, đến nơi thì số điện thoại của Trương cảnh quan không còn liên lạc được nữa. Lúc đầu họ tưởng tín hiệu ở đó không tốt, nhưng bây giờ đã là ngày thứ tám, lẽ ra Trương cảnh quan đã về từ lâu rồi, điện thoại di động vẫn không kết nối được."

Tôi giật nảy mình: "Chẳng lẽ thôn Hồi Long đã xảy ra chuyện gì?"

Tư Đồ Lăng cho biết: "Ngay cả số điện thoại của trưởng thôn cũng không liên lạc được nên đồn cảnh sát quyết định cử hai người đến kiểm tra, vừa vặn cùng đường với chúng ta".

Chẳng bao lâu sau, hai cảnh sát đã đến, một người là đàn ông trung niên và người kia là một phụ nữ trẻ khoảng ba mươi tuổi. Họ tự giới thiệu, nam cảnh sát là Dương Khải Lâm, nữ cảnh sát là Phạm Thiến Thiến, cả hai đều không phải người địa phương.

 
Đối với họ mà nói, Tư Đồ Lăng là đội trưởng đội cảnh sát hình sự thành phố, là một lãnh đạo lớn nên họ đối với anh ấy đều rất cung kính. Tư Đồ Lăng nói với bọn họ chuyện của tôi, nam cảnh sát phẫn nộ nói: "Nhà họ Nhiễm này quá vô liêm sỉ. Cô gái, cô yên tâm, đến lúc đó tôi nhất định sẽ giải cứu em gái của cô ra."

Tôi gật đầu cảm ơn, nhưng trong lòng rất lo lắng, có lẽ là do gần đây tôi gặp quá nhiều chuyện khủng khiếp, luôn cảm thấy cuộc âm hôn này không đơn giản như vậy.

Dương Khải Lâm lái xe cảnh sát mở đường ở phía trước, xe tôi theo sau, đường ở thôn Hồi Long rất khó đi, toàn là đường đất, chỗ nào cũng toàn là đá. Xa xa có thể nhìn thấy bản làng thôn Hồi Long nằm trong một thung lũng núi, xung quanh là ruộng bậc thang, nhìn ra cửa sổ ô tô thì thấy bản làng chìm trong sương trắng.


Tư Đồ Lăng nói: "Đã chiều rồi mà sao vẫn còn sương mù dày đặc thế?"

"Sương mù này có gì đó không ổn." Tôi cau mày, chúng tôi lái xe xuống núi. Trước cổng làng có một tấm bia đá, dưới tấm bia đá có một con rùa cõng thứ gì đó trên lưng, không biết nó được làm từ lúc nào.

Trên bia đá khắc ba chữ lớn: thôn Hồi Long.

Dương Khải Lâm kể rằng thôn Hồi Long có lịch sử hơn 300 năm, dân làng ở đây cơ bản đều họ Nhiễm, khi Hồ Quảng tràn vào Tứ Xuyên thì họ từ vùng Lưỡng Hồ chuyển đến.

Vốn dĩ thôn này rất nghèo, một trong số đó là Nhiễm Đông đã bắt kịp xu hướng thời mở cửa, hơn 20 năm trước đã mở lò than ở huyện Vạn, kiếm được rất nhiều tiền. Sau khi trở nên giàu có, ông ấy đã dẫn dắt cả làng trở nên giàu có theo, còn từng được huyện bên trên khen ngợi.

Nói xong, anh ta định vào làng thì bị tôi ngăn lại: "Dương cảnh quan, anh không thấy có chút kỳ lạ sao?"

Nhưng Phạm Thiến Thiến lại nói: "Giữa ban ngày ban mặt, trong làng cũng quá yên tĩnh".

Dương Khải Lâm vỗ đùi nói: "Ừ, nhìn những thửa ruộng bậc thang đó, đang mùa canh tác bận rộn nhưng lại không có một người làm ruộng, có chút bất thường."

Tư Đồ Lăng đè lại bờ vai của tôi nói: "Tiểu Lâm, thôn này có chút tà môn, tôi nghĩ hay là không nên đi vào, chờ tiếp viện đã." Rồi anh ấy hỏi Dương Khải Lâm: "Dương cảnh quan, ở đồn cảnh sát của các anh có bao nhiêu người?"

 
 



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.



COMMENT



Please Register or Login to comment!